Tìm hiểu về thị trường giao dịch các-bon tự nguyện và tuân thủ

27/06/2024

Khi những nỗ lực nhằm hạn chế biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu ngày càng được đẩy mạnh, thị trường các-bon đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ đạt được mục tiêu phát thải khí nhà kính (KNK) bằng "0" (Net Zero). Net Zero đề cập đến nỗ lực đạt được sự cân bằng tổng thể giữa lượng phát thải KNK được tạo ra và lượng KNK được loại bỏ khỏi bầu khí quyển. Thông tin từ Liên hợp quốc cho thấy hơn 130 quốc gia đã đặt ra hoặc đang xem xét mục tiêu giảm phát thải KNK xuống mức "Net Zero" vào năm 20501.

Việc giảm phát thải KNK trong khí quyển là rất quan trọng giúp hạn chế các tác động có hại của BĐKH. Điều này có thể được giải quyết thông qua cả thị trường tuân thủ (thị trường bắt buộc) và thị trường tự nguyện. Thị trường tuân thủ được điều chỉnh bởi các cơ chế giảm phát thải các-bon bắt buộc cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và thường nhắm vào các đơn vị năng lượng phát thải lớn như nhà sản xuất sắt thép, nhà máy lọc dầu, nhà máy phát điện, các hãng hàng không và các công ty chế biến. Trong khi đó, thị trường tự nguyện hoạt động tách biệt với thị trường tuân thủ, do đó không chịu bất kỳ sự giám sát trực tiếp nào của chính phủ và cơ quan quản lý.

Nhu cầu đối với tín chỉ các-bon tự nguyện (Voluntary carbon credits - VCC) dự kiến sẽ tăng gấp 15 lần vào năm 2030 và cần phải tăng hơn 100 lần để có thể đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 (theo Taskforce on Scaling Voluntary Carbon Markets)2. VCC thường phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và cá nhân muốn chịu trách nhiệm về lượng các-bon thải ra của mình.

Thị trường các-bon là điều cần thiết giúp con người kiểm soát lượng phát thải các-bon toàn cầu trong giới hạn cho phép, bằng cách áp giá lên hành động gây ô nhiễm. Trong bài viết này, chúng tôi nhấn mạnh các khía cạnh chính của cả hai loại thị trường các-bon, đưa ra những thách thức chính và phác thảo cách các doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến lược hành động về khí hậu để tạo ra một vòng đời giao dịch vững chắc.

Thị trường các-bon tuân thủ là gì?

Thị trường tuân thủ là thị trường mà tại đó, giá các-bon được thiết lập thông qua các luật hoặc quy định kiểm soát nguồn cung hạn ngạch phát thải được phân bổ bởi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Điều này có thể được thực hiện thông qua thuế các-bon hoặc hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải, thay đổi các khuyến khích về mặt kinh tế bằng cách khiến cho mức phí của các hoạt động gây ô nhiễm trở nên đắt đỏ hơn. Tính đến nay, có hơn 60 quốc gia đã triển khai các cơ chế này để đạt được mục tiêu giảm phát thải, được biết đến với tên gọi là Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC)3đề ra trong Thỏa thuận Paris.

Thị trường các-bon tuân thủ của Châu Âu và cách thức vận hành

Hệ thống giao dịch phát thải của Liên minh Châu Âu (EU ETS) được thành lập vào năm 2005, là thị trường các-bon đầu tiên lớn nhất trên thế giới. EU ETS áp dụng cho khoảng 11 nghìn cơ sở thuộc các ngành/lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất nhiệt, điện đến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. EU ETS hoạt động theo nguyên tắc thiết lập mức trần phát thải và giao dịch. Một mức trần hoặc hạn mức phát thải sẽ được đặt ra (tổng lượng KNK có thể phát thải bởi các cơ sở thuộc hệ thống). Hạn mức này sẽ giảm dần theo thời gian, kéo theo tổng phát thải cũng sẽ giảm. Nguyên tắc hoạt động này được mô tả cụ thể trong đồ thị bên dưới.

Cơ sở cần phải nộp lại đầy đủ hạn ngạch để bù đắp cho lượng phát thải của mình hàng năm, nếu không cơ sở sẽ bị phạt. Nếu cơ sở thực hiện giảm phát thải, họ có thể giữ lại hạn ngạch dư để đáp ứng nhu cầu trong tương lai hoặc bán chúng cho các bên đang thiếu hạn ngạch khác. Do vậy, các cơ sở có thể giao dịch hạn ngạch phát thải với nhau khi cần thiết.

Tín chỉ các-bon được giao dịch và phân bổ như thế nào trong thị trường tuân thủ?

Các tín chỉ các-bon như EUAs (Giấy phép Phát thải của EU) được phân loại là các công cụ phái sinh, có thể được giao dịch trên các thị trường giao ngay, kỳ hạn và tương lai, và phải tuân theo các quy định của MiFID II. Thị trường EUA đã phát triển cả thị trường sơ cấp và thứ cấp có tính thanh khoản cao. Trên thị trường sơ cấp, một phần nhất định của tổng số hạn ngạch được phân bổ miễn phí cho các nhà vận hành, các giấy phép EUA khác được dành riêng để hỗ trợ các quỹ cụ thể như các dự án đổi mới và chuyển đổi. Phần còn lại được bán thông qua đấu giá4.

Đấu giá được tổ chức bởi các nền tảng đấu giá được bổ nhiệm, chủ yếu là trên ICE và EEX. Có các phiên đấu giá hàng ngày và hàng tháng với biến động về khối lượng. Để tham gia vào các phiên đấu giá mua bán hợp đồng tương lai về EUAs, bạn phải là một bên tham gia thị trường trực tiếp có tài khoản đăng ký hoặc sử dụng một bên môi giới / ngân hàng để hỗ trợ cho bạn. Khi các hạn ngạch phát thải đã được các công ty EU phát hành vào lưu thông, chúng có thể được giao dịch bởi bất kỳ bên nào có tài khoản đăng ký EU trên thị trường thứ cấp. Trong tài khoản đăng ký, các bên có thể mua bán EUAs qua kênh OTC.

Brexit, Vương quốc Anh hiện nay quản lý và vận hành chương trình phát thải các-bon riêng của mình được gọi là Hệ thống Giao dịch Phát thải của Vương quốc Anh (UK ETS), trong đó các Hạn ngạch Phát thải của Vương quốc Anh (UK Allowances) được giao dịch trên hệ thống đăng ký của Vương quốc Anh. Hoa Kỳ không có thuế các-bon ở cấp quốc gia nhưng có một số thuế ở cấp bang bao gồm California, Oregon, Washington, Hawaii, Pennsylvania và Massachusetts.5. Trung Quốc cũng vừa mới triển khai một chương trình Giao dịch Phát thải (ETS) vào tháng 7 năm 2021, bao gồm khoảng 4,5 tỷ tấn CO2 mỗi năm, chiếm khoảng 40% tổng phát thải của Trung Quốc.6

Những thách thức mà thị trường tuân thủ phải đối mặt

  • Không dễ dàng xác định mức trần phát thải phù hợp, một sự phân bổ quá mức có thể là minh chứng không hiệu quả trong việc giảm lượng phát thải KNK, trong khi một sự phân bổ chặt chẽ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế.
  • Một số người cho rằng, chi phí của việc không tuân thủ mức trần phát thải (CAP) tương đối rẻ, khoản phạt hiện tại chỉ là 100 Euro cho mỗi tấn CO2 vượt quá mức trần. Trong khi đó, chi phí để mua một EUA hiện đang hơn 807 Euro.8.

Thị trường các-bon tự nguyện là gì?

Thị trường tự nguyện là thị trường dựa trên động cơ kích thích cho phép cá nhân và tổ chức mua các VCC để bù trừ cho bất kỳ lượng phát thải các-bon dựa trên cơ sở tự nguyện. Chiến lược để tránh, giảm và thay thế các phát thải KNK gây hại phải được thực hiện trước việc bù trừ, nhưng vẫn có lượng phát thải được tạo ra không thể tránh khỏi do thiếu công nghệ và tài chính hiện tại không đủ đáp ứng. Mỗi tín chỉ đại diện cho một tấn CO2 (hoặc KNK tương đương) đã được giảm hoặc loại bỏ và được xác minh độc lập.

Có hai chương trình có sẵn để bù trừ phát thải các-bon. Chương trình đầu tiên là chương trình giảm phát thải, mục tiêu là cắt giảm phát thải bằng cách cải thiện các quy trình hiện có. Chương trình thứ hai là các dự án loại bỏ KNK từ khí quyển, thông qua các giải pháp dựa trên tự nhiên như tái lập rừng, hoặc thông qua các dự án dựa trên công nghệ như việc hấp thụ và lưu trữ các-bon. Các doanh nghiệp đang hướng tới đạt mức Net Zero thường sẽ xem xét các dự án loại bỏ KNK, vì trọng tâm đặt vào việc loại bỏ KNK khỏi khí quyển, trong khi các doanh nghiệp có mục tiêu đạt trạng thái trung hòa các-bon thường xem xét các dự án giảm phát thải để đạt được bù trừ CO2 .

Tín chỉ bù trừ các-bon được mua bán ở đâu?

Các tín chỉ các-bon tự nguyện (VCC) có thể được mua trực tiếp từ các nhà cung cấp như Verra, American Carbon Registry, Gold Standard, Climate Action Reserve. Hoặc có thể mua VCC thông qua các nhà môi giới hoặc sàn giao dịch như CBL và ACX. Một số ví dụ về người mua bao gồm các tập đoàn, hãng hàng không và các chính phủ có mục tiêu giảm phát thải.

Người nắm giữ một VCC phải "hủy bỏ" các tín chỉ đó để yêu cầu các giảm phát thải KNK liên quan đến một mục tiêu giảm phát thải. VCC cũng có thể được hủy bỏ thay mặt cho bên thứ ba. Quá trình hủy bỏ diễn ra theo quy trình được quy định bởi các cơ chế đăng ký của mỗi chương trình bù trừ các-bon. Khi một VCC được hủy bỏ, nó không thể được chuyển giao hoặc sử dụng (nghĩa là nó được loại ra khỏi lưu thông). Việc hủy bỏ có thể được công bố vào thời điểm xử lý.

Những thách thức mà thị trường các-bon tự nguyện phải đối mặt

  • Có sự hoài nghi xung quanh chất lượng của VCC. Việc bù trừ lượng các-bon do các nhà cung cấp tiêu chuẩn các-bon hàng đầu thế giới đưa ra đã bị chỉ trích rộng rãi vì thể hiện quá mức lượng các-bon đã giảm. Điều này tác động đến niềm tin của người tiêu dùng và khiến việc phân biệt giữa VCC chất lượng cao và chất lượng thấp ngày càng khó khăn.
  • Minh bạch về giá, mỗi dự án là duy nhất từ ​​năm tạo phát thải đến bù trừ. Cả người mua và người bán đều đang phải đối mặt với vấn đề xác định giá, đặc biệt là với những dự án ít người biết đến hơn. Điều này mang đến thách thức cho các nhà giao dịch cần giá trực tiếp và giá cuối ngày chính xác để tạo và đánh dấu PnL (Lãi và Lỗ) và M2M (Đánh dấu theo thị trường).
  • Có các quy tắc, tiêu chí và phương pháp khác nhau tùy thuộc vào nhà cung cấp tiêu chuẩn. Bên cạnh đó có nhiều đăng ký và sàn giao dịch có thể khiến việc điều hướng xung quanh các nền tảng này (chuyển giao, hủy bỏ tín chỉ, tạo tín chỉ) trở nên khó khăn.

Tài liệu tham khảo

1 Global net zero commitments (parliament.uk)

2 The mission to mend the voluntary carbon offset market – Energy Monitor

All About the NDCs | United Nations

4 Primary and secondary market – Emissionshaendler.com

5 Explainer: Which countries have introduced a carbon tax? | World Economic Forum (weforum.org)

The first year of China’s national carbon market, reviewed (chinadialogue.net)

7 EU Carbon Price Tracker | Ember (ember-climate.org)

8 15-06-29 CEPS meeting_CDC Climat Research_EU ETS Free allocation

Hemal Pandya  |  Tim Archer – Deloitte

Tạo điều kiện trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về giao dịch phát thải.