Làm thế nào để biến giấc mơ Olympic về khí hậu thành hiện thực?

26/07/2024

Trong cuộc đua chống lại sự nóng lên toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, Thế vận hội Paris 2024 (Olympic 2024) cần phải suy nghĩ lại và thay đổi cách tổ chức theo những cách bền vừng và thân thiện với môi trường hơn để thực sự giúp ích trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.

Các vận động viên giỏi nhất trên thế giới tụ họp tại Paris vào mùa hè này để tranh tài tại Thế vận hội Olympic 2024. Tuy nhiên, điều này lại trùng với một cuộc đua khác mà tất cả chúng ta đều đang tham gia - cuộc đua với thời gian. Khi khí hậu tiếp tục nóng lên, chúng ta phải xem xét lại các hoạt động thường ngày, kể cả những sự kiện gắn kết chúng ta như Thế vận hội.

Vào năm 2015, Paris cũng là nơi diễn ra thỏa thuận khí hậu quan trọng nhằm giảm lượng phát thải đủ để đảm bảo rằng mức nhiệt độ không vượt qua ngưỡng 1,5°C.

Thật không may, với việc các nhiệt độ kỷ lục liên tục bị phá vỡ, nhân loại đang ở rất gần mức vượt qua ngưỡng nhiệt độ này và bước vào lãnh thổ chưa từng được khám phá - nơi những tác động và hậu quả chưa được dự đoán hoặc hiểu rõ khi vượt ngưỡng nhiệt độ 1.5°C. Trái đất nóng lên có những tác động đáng lo ngại đối với tất cả mọi người, bao gồm cả Thế vận hội. Dự báo cho thấy rằng các vận động viên và khán giả có thể sẽ phải trải qua một đợt sóng nhiệt dữ dội trong suốt sự kiện, như một dấu hiệu cho những gì sắp đến.

Thế vận hội Paris so với Thỏa thuận Paris

Các nhà tổ chức đã đặt vấn đề khí hậu lên hàng đầu trong kế hoạch cho Thế vận hội. Tuy nhiên, các mục tiêu khí hậu của Thế vận hội Paris so với các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris thì như thế nào?

Thế vận hội Paris 2024 đặt ra mục tiêu giảm phát thải các-bon xuống còn 1,5 triệu tấn CO2 tương đương (ngân sách các-bon), con số này chỉ bằng khoảng một nửa so với ước tính lượng phát thải của Thế vận hội 2012 tại London (3,3 triệu tấn) và Thế vận hội 2016 tại Rio de Janeiro (3,6 triệu tấn). Mặc dù 1,5 triệu tấn là một mục tiêu giảm phát thải đáng khen ngợi và tham vọng, vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng để xác minh liệu lượng phát thải này có thực sự đáp ứng được yêu cầu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5°C hay không, cũng như không rõ liệu mục tiêu này đạt được bằng cách giảm phát thải hay thông qua việc bù trừ lượng phát thải.

Mặc dù chiến lược phát triển bền vững có ý định tốt - và nhiều hành động trong đó được hoan nghênh - nhưng nó vẫn chưa thực sự khởi đầu hiệu quả khi không giải quyết được những khía cạnh có vấn đề nhất của mô hình hiện tại.

Thực tế là hầu hết các vận động viên và khán giả đều bay đến tham dự Thế vận hội (hơn 40% ngân sách phát thải các-bon của Paris 2024 đến từ phát thải gián tiếp từ giao thông và các nguồn khác) có tác động lớn hơn so với các chính sách mạnh mẽ của Paris 2024, như việc áp dụng các nguyên tắc tái sử dụng, tái chế trong xây dựng (chiếm khoảng 30% ngân sách các-bon) và kế hoạch cung cấp thực phẩm gốc thực vật (khoảng 1% ngân sách các-bon).

Tương tự, việc cho phép các công ty gây ô nhiễm có liên hệ chặt chẽ với nhiên liệu hóa thạch, như Aeroports de Paris, ArcelorMittal, AirFrance và AccorHotels, đứng trên bục danh dự của Thế vận hội, bất chấp hồ sơ khí hậu chưa đạt yêu cầu, đang truyền tải thông điệp sai lầm. Các kỳ Thế vận hội trong tương lai cần từ bỏ việc làm ngơ trước các thông điệp tiêu cực từ những doanh nghiệp này và thay vào đó, tôn vinh những công ty thúc đẩy trách nhiệm xã hội và khí hậu tích cực.

Tuy nhiên, Thế vận hội Paris 2024 cũng có điểm xứng đáng được khen ngợi vì cách tiếp cận trung thực hơn trong việc truyền thông về khí hậu. Khác với việc FIFA đã "xanh hóa" 2022 World Cup, Thế vận hội Paris đã rút lại những tuyên bố quá mức về việc trở thành sự kiện trung hòa khí hậu, hay thậm chí tích cực với khí hậu, và chuyển sang một khẩu hiệu giảm nhẹ hơn là "hòa hợp với xã hội và thực tế của nó."

Chạy nước rút chứ không phải chạy marathon

Để làm cho Thế vận hội 2024 phù hợp với mục tiêu 1,5°C, rõ ràng cần có một sự thay đổi dũng cảm trong hướng đi, và các cam kết về tính bền vững của Paris 2024 là một bước đi đúng hướng.

Điều thiết yếu cho một sự kiện được cải cách là không yêu cầu tất cả các vận động viên phải di chuyển đến một thành phố duy nhất, không làm căng thẳng các mạng lưới giao thông và không tạo ra cơ sở hạ tầng mới chỉ dùng trong thời gian ngắn. Ví dụ, tại sao không phân bổ các môn thể thao khác nhau cho các quốc gia khác nhau, trong khi hạn chế quyền truy cập trực tiếp cho những người chỉ có thể đến sự kiện bằng đường bộ?

Hãy tưởng tượng viễn cảnh thú vị với các môn điền kinh tổ chức tại Mexico City, thể thao dưới nước ở Buenos Aires, thể thao đồng đội ở Nairobi, võ thuật tại Seoul, thể thao raquet ở Warsaw, đua xe tại Ankara, thể dục dụng cụ ở Jakarta, và nhiều địa điểm khác.

Mô hình như vậy sẽ giảm đáng kể tác động môi trường của Thế vận hội và cũng có thể làm tăng số lượng người có cơ hội trải nghiệm Thế vận hội trực tiếp, mở rộng sự lan tỏa của các giá trị Olympic vĩ đại.

Các cuộc thảo luận cần phải diễn ra nhanh chóng. Nếu không, ngọn lửa của ngọn đuốc Olympic mà chúng ta truyền lại cho các thế hệ tương lai có thể sẽ làm bỏng tay thay vì chiếu sáng con đường của họ.

Bài viết này đầu tiên được giới thiệu trong BusinessGreen vào ngày 17 tháng 4 năm 2024

Tạo điều kiện trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về giao dịch phát thải.