Chương trình Giảm nhẹ và Bù trừ phát thải khí nhà kính đối với hàng không quốc tế (CORSIA) và nhu cầu mua tín chỉ các-bon trong thời gian tới (Phần 2)
02/08/2024
Phần 2: Nhu cầu mua tín chỉ các-bon của các hãng hàng không của Việt Nam trong thời gian tới
Các loại tín chỉ các-bon hợp lệ theo CORSIA?
Chỉ các Đơn vị Phát thải Hợp lệ theo CORSIA (CORSIA EEU) được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) phê duyệt mới được sử dụng để đáp ứng yêu cầu bù trừ theo CORSIA.
Trong giai đoạn thí điểm (2021-2023): EEU hợp lệ bao gồm không hạn chế các tín chỉ các-bon được ban hành từ American Carbon Registry (ACR) và Architecture for REDD+ Transactions (ART).
Các tín chỉ từ các chương trình sau đây có thể được sử dụng để bù trừ cho CORSIA trong giai đoạn với những điều kiện cụ thể nhất định:
- BioCarbon Fund for Sustainable Forest Landscapes (ISFL)
- China GHG Voluntary Emission Reduction Program
- Cơ chế phát triển sạch (CDM)
- Dự trữ Hành động Khí hậu (CAR)
- Forest Carbon Partnership Facility (FCPF)
- Global Carbon Council (GCC)
- The Gold Standard (GS)
- SOCIALCARBON
- Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS)
Điều kiện chung đối với tất cả các tín chỉ hợp lệ theo CORSIA là phải được ban hành từ dự án có giai đoạn tín dụng đầu tiên từ 1/1/2016 và tín chỉ phải đại diện cho giảm phát thải từ 1/1/2021 đến 31/12/2026.
Trong giai đoạn thực hiện đầu tiên (2024-2026): tín chỉ từ hai chương trình American Carbon Registry (ACR) và Architecture for REDD+ Transactions (ART) đã được ICAO phê duyệt hợp lệ để bù trừ. Ngoài ra, các tiêu chuẩn khác như VCS, GS, GCC, v.v. cũng đã được đưa vào danh sách phê duyệt có điều kiện. Quá trình phê duyệt đầy đủ dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Yêu cầu về điều chỉnh tương ứng
Điều chỉnh tương ứng thể hiện nguyên tắc tránh tính trùng đối với các tín chỉ các-bon được giao dịch trên thị trường các-bon. Đối với các giao dịch liên quan đến chuyển giao tín chỉ các-bon quốc tế (còn gọi là Kết quả Giảm phát thải KNK được Chuyển giao Quốc tế, ITMO) nhằm đạt được mục tiêu Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC) của nước khác, hoặc phục vụ các Mục đích Giảm phát thải KNK Quốc tế khác (OIMP) như tuân thủ CORSIA, các tín chỉ các bon này sẽ cần phải được điều chỉnh tương ứng với kết quả và mục tiêu giảm phát thải KNK trong NDC của nước chủ nhà.
Tại Việt Nam, Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn đã bổ sung nội dung liên quan đến Ban hành Thư chấp thuận chuyển giao tín chỉ các-bon quốc tế. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý các giao dịch liên quan đến chuyển giao tín chỉ các-bon quốc tế và thực hiện điều chỉnh tương ứng đối với mục tiêu NDC, và là yêu cầu quan trọng để các tín chỉ các-bon của Việt Nam hiện nay có thể được giao dịch để bù trừ cho CORSIA.
Nhu cầu mua tín chỉ các-bon của các hãng hàng không của Việt Nam trong thời gian tới
Như đã trình bày ở trên, CORSIA hiện đang trong giai đoạn thực hiện thứ nhất, mang tính chất tự nguyện. Do vậy, chỉ các hãng hàng không của Việt Nam có chuyến bay nối giữa các quốc gia tự nguyện tham gia CORSIA mới phải tuân thủ các yêu cầu về bù trừ phát thải KNK theo CORSIA.
Trong thời gian tới, nếu Việt Nam không tham gia giai đoạn tự nguyện thì các hãng hàng không Việt Nam vẫn sẽ phải bắt buộc tuân thủ các yêu cầu giảm phát thải KNK đối với các chuyến bay quốc tế của mình theo CORSIA từ 1/1/2027. Do vậy nhu cầu sử dụng tín chỉ các-bon của các hãng hàng không trong nước sẽ tăng cao trong tương lai.
Hiện nay, Việt Nam có các dự án tín chỉ các-bon trong nước đã đăng ký theo các tiêu chuẩn như GS, VCS, GCC, v.v. Tín chỉ các-bon từ các dự án này có thể giúp các hãng hàng không trong nước sử dụng để bù trừ nghĩa vụ phát thải theo CORSIA nếu nhận được Thư chấp thuận từ cơ quan quản lý của Việt Nam.
Hồng Loan & Linh Nguyễn Lê tổng hợp