Tín chỉ các-bon từ dự án bếp đun: Những lợi ích và tiềm năng

14/12/2023

Bếp đun sinh khối truyền thống hiện vẫn được sử dụng tương đối phổ biến ở các nước đang phát triển. Việc chuyển đổi sang dùng bếp đun cải tiến giúp tăng hiệu suất sử dụng năng lượng hoặc chuyển đổi sang nhiên liệu tái tạo sẽ giúp giảm tiêu thụ củi hoặc sinh khối và nhờ đó giảm phát thải khí nhà kính. Phương pháp luận để tính toán mức giảm phát thải của bếp sẽ ước tính lượng giảm phát thải khí nhà kính để quy đổi thành tín chỉ các-bon theo các cơ chế quốc tế như Cơ chế phát triển sạch (CDM) của Nghị định thư Kyoto, Tiêu chuẩn các-bon được thẩm định (VCS), Tiêu chuẩn vàng (GS) hoặc các cơ chế thị trường khác.

Bếp đun truyền thống(bên trái)/ Bếp cải tiến(bên phải)

Bên cạnh lợi ích về khí hậu khi giảm từ 40-60% mức tiêu thụ nhiên liệu, bếp đun cải tiến còn có những lợi ích trực tiếp cho môi trường và xã hội tại các khu vực thực hiện dự án. Ước tính khoảng 50% lượng gỗ trên thế giới được khai thác để sử dụng làm nhiên liệu đốt và 30% trong số đó là từ các nguồn không bền vững, các dự án bếp đun cải tiến sẽ giúp giảm nạn phá rừng và suy thoái đa dạng sinh học rừng tại địa phương. Bếp đun cải tiến đồng thời mang lại lợi ích về sức khỏe. Loại bếp này gần như không tạo ra khói và giúp giảm các bệnh hô hấp liên quan do khói bếp. Theo WHO, khói trong nhà là nguyên nhân gây ra khoảng 1,9 triệu ca tử vong mỗi năm ở châu Phi – nơi bếp đun truyền thống vẫn là hình thức đun nấu phổ biến nhất. Ngoài ra, các dự án chuyển đổi bếp đun này sẽ tạo ra các lợi ích tích cực về giới. Phụ nữ là những người được hưởng lợi trực tiếp khi tiết kiệm được thời gian đun nấu và kiếm củi nên có thể dành nhiều thời gian hơn cho bản thân hoặc tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội khác. Những lợi ích cộng đồng to lớn kể trên là lý do tín chỉ các-bon từ những dự án bếp đun cải tiến được ưa chuộng trên thị trường các-bon quốc tế.

VNEEC hiện đang cung cấp dịch vụ tư vấn cho dự án “Sáng kiến ​​bếp đun sạch (CSI) của Ngân hàng Thế giới tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào”. Dự án sẽ được đăng ký dưới dạng Chương trình hoạt động (PoA) của CDM để ban hành tín chỉ carbon (CERs). Đồng thời, chúng tôi cũng đang phối hợp với các đối tác khác ở châu Phi để khảo sát tiềm năng triển khai các dự án tương tự ở châu lục này.

Nguyễn Viết Cần

Tài liệu tham khảo

https://energypedia.info/wiki/Carbon_Funding_for_Cookstoves

https://www.givinggreen.earth/carbon-offsets-research/fuel-efficient-cookstoves

https://circularecology.com/carbon-offset-projects/clean-cookstoves-africa.html

Tạo điều kiện trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về giao dịch phát thải.