Hỗ trợ kĩ thuật "Đào tạo và mô phỏng Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải tại Việt Nam" là một trong những hỗ trợ của Chương trình đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) nhằm phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, và sẽ được thực hiện với sự hợp tác của Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT). Mục tiêu chính của hỗ trợ kỹ thuật này là xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo về ETS và thị trường các-bon sử dụng công cụ mô phỏng ETS phù hợp với Việt Nam cho các bên liên quan khác nhau bao gồm các nhà hoạch định chính sách, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức tài chính, đại diện các cơ quan truyền thông và đặc biệt là các doanh nghiệp phát thải lớn – những công ty sẽ phải tham gia vào ETS của Việt Nam trong tương lai.
Nội dung công việc của hỗ trợ kỹ thuật được chia làm 10 nhiệm vụ cụ thể:
- Nhiệm vụ 1: Soạn thảo báo cáo khởi động.
- Nhiệm vụ 2: Tổ chức hội thảo khởi động.
- Nhiệm vụ 3: Thực hiện phân tích, khảo sát và tham vấn các bên liên quan và doanh nghiệp về nhận thức và khả năng sẵn sàng tham gia thị trường các-bon.
- Nhiệm vụ 4: Xâu dựng kế hoạch tham gia của các bên liên quan để tiếp cận các nhóm mục tiêu.
- Nhiệm vụ 5: Chuẩn bị công cụ mô phỏng thị trường các-bon phù hợp với Việt Nam về ngôn ngữ, tiền tệ, thời gian, các khoản bù trừ, giá trần/sàn, việc lưu giữ hạn ngạch và những biến động thị trường để sử dụng trong nhiệm vụ.
- Nhiệm vụ 6: Xây dựng trang web về ETS và thị trường các-bon.
- Nhiệm vụ 7: Các khóa đào tạo sử dụng công cụ mô phỏng ETS.
- Nhiệm vụ 8: Lên kế hoạch cho khóa học nâng cao về thị trường các-bon cho các cán bộ nhà nước chủ chốt.
- Nhiệm vụ 9: Lập báo cáo kỹ thuật tóm tắt kết quả mô phỏng và đánh giá tác động.
- Nhiệm vụ 10: Báo cáo và hội thảo tổng kết.
Để hỗ trợ hoạt động đào tạo và phổ biến kiến thức về ETS và thị trường các-bon cho các bên liên quan ở Việt Nam, website này được xây dựng như một nền tảng học tập và cập nhật những thông tin và sự kiện mới nhất về thị trường. Bên cạnh đó, một báo cáo tổng hợp về các khuyến nghị về thiết kế và triển khai ETS tại Việt Nam sẽ được soạn thảo dựa trên kết quả phân tích về bài học trọng các khóa đào tạo và tác động của ETS đối với chuyển dịch năng lượng. Hoạt động này sẽ đóng góp trực tiếp vào việc thực hiện ETS như một công cụ định giá các-bon tại Việt Nam từ 2027.
Dựa theo hợp đồng được kí kết giữa Văn phòng dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) và Tư vấn, Hỗ trợ kỹ thuật dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng thời gian 18 tháng, bắt đầu từ tháng 7 năm 2023 và kết thúc vào tháng 1 năm 2025.
Việc triển khai Hỗ trợ kỹ thuật sẽ được thực hiện bởi liên danh gồm Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), Công ty Quản lý Tài sản Các-bon South Pole, Công ty Cổ phần Giải Pháp Công nghệ Việt Nam (VETS) và các chuyên gia quốc tế được huy động bởi VNEEC.
Những bên hưởng lợi chính của Hỗ trợ kỹ thuật này bao gồm Bộ TN&MT, tập trung cụ thể vào Cục BĐKH cũng như các bộ và cơ quan trực tuyến chịu trách nhiệm thiết kế và vận hành ETS trong tương lai tại Việt nam. Ngoài ra, những người hưởng lợi chính bao gồm các doanh nghiệp phát thải KNK phải tham gia vào các ETS trong tương lai.